Giới thiệu về Lùng Tao

 05/12/2023  156

1.Lùng Tao- Miền đất tươi đẹp

Cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 30 km, thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên) là một ngôi làng nhỏ nằm dưới chân núi Tây Côn Lĩnh, là nơi đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Thời gian qua, thôn Lùng Tao đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách gần xa bởi vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo, thưởng thức những món ăn do chính bà con tự tay nuôi trồng, chế biến và tìm hiểu những giá trị truyền thống tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ ngôn ngữ, trang phục, lễ hội...

Thôn Lùng Tao được công nhận Làng Văn hóa du lịch cộng đồng từ năm 2009. Đến đây du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ, nguyên sơ, tinh khôi đến diệu kỳ. Nơi đây được ví như một bức tranh được thiên nhiên ưu ái bởi có nhiều thác nước, rừng chè cổ thụ, những thửa ruộng bậc thang trùng điệp. Các cung đường quanh co, cheo leo vốn đầy thách thức cho người lái xe. Khi bạn phóng tầm mắt xung quanh, căng thẳng nhường lại chỗ cho cảm giác thư thái khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp rừng núi nơi đây.

Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên với con người, Lùng Tao càng thôi thúc du khách đến tìm hiểu và khám phá. Bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên còn có khí hậu mát mẻ, trong lành, phong cảnh hữu tình, không gian yên tĩnh. Nhờ vậy, thôn Lùng Tao đã trở thành điểm du lịch độc đáo và tiềm năng.

 

Những năm gần đây huyện Vị Xuyên đã tổ chức nhiều chương trình liên kết, hội thảo du lịch. Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên sự độc đáo, riêng biệt trong sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, sự kết nối giữa các địa điểm du lịch chặt chẽ hơn, đổi mới trong các hoạt động tham quan, trải nghiệm, xây dựng những cộng đồng du lịch bền vững nhằm phát huy tối đa thế mạnh của vùng đất và con người Vị Xuyên.

Hệ thống dịch vụ homestay phục vụ du khách cũng được nhiều gia đình người Dao bản địa hoàn thiện và đưa vào hoạt động. Khi đến với thôn Lùng Tao, du khách có thể ghé thăm những homestay nhà sàn truyền thống của người Dao áo dài nằm trên những đỉnh núi cao như: Homestay Đặng Quang hay Homestay 1983, Homestay Thung lũng Trà Shan tuyết, Homestay Đặng Lòng

Homestay thung lũng Chè Shan tuyết, thôn Lùng Tao

Hiện nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lùng Tao đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trải nghiệm, khám phá. Nơi đây được ví như viên ngọc thô lặng lẽ tỏa sáng giữa núi rừng, vùng đất ấy hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của con người trong hành trình lập làng, giữ bản. Từ bàn tay, khối óc của đồng bào vùng cao, cuộc sống mưu sinh trong cần cù gian khó đã kiến tạo nên giá trị văn hóa bản địa, những tinh hoa để đưa dấu ấn du lịch cộng đồng vươn xa.

2. Lùng Tao – Đậm đà bản sắc văn hóa

Thôn Lùng Tao, xã Cao Bồ , huyện Vị Xuyên có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc từ trang phục, tiếng nói, chữ viết, lễ hội,… đã và đang được người dân nơi đây gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

Mùa này, đường lên Lùng Tao được tô điểm bởi sắc thắm của những cành đào, mận và những nương Cải vàng rực. Những nếp nhà sàn nhỏ,  xinh nép mình dưới chân núi của của đồng bào như rộn rã hơn bởi tiếng nói cười cùng những làn điệu hát giao duyên vang xa khắp sườn đồi. Bên hiên nhà, các cô gái Dao nhanh tay dệt vải, thêu khăn, túi; tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Mấy năm trở lại đây, lượng khách đến với Lùng Tao ngày càng đông, giúp người dân có thêm thu nhập từ làm du lịch, dịch vụ;  đời sống của đồng bào Dao nơi đây nhờ vậy mà ngày càng khấm khá.

Giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Dao nơi đây rất đa dạng, giàu bản sắc, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, nghi lễ trong hôn nhân, thờ cúng, quy ước, hương ước của dòng họ, bản làng… “Những giá trị văn hóa này gắn liền với cuộc sống của người Dao từ bao đời nay và chúng tôi coi đó như tài sản quý để truyền lại cho các thế hệ con cháu sau này” – Trưởng thôn Lùng Tao, Đặng Văn Điểm chia sẻ.

Người Dao thôn Lùng Tao hiện nay vẫn mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Phụ nữ Dao mặc chiếc áo được thiết kế dài đến đầu gối, cổ và lưng áo thêu hoa văn, quần vải nhuộm chàm. Chị Cháng Thị Hường cho biết: Phụ nữ Dao được học thêu thùa, may vá từ nhỏ; khoảng lên 5, 6 tuổi là đã được theo mẹ lên nương để học cách trồng bông, se sợi, nhuộm chàm, dệt vải. Ngày nay, do trồng bông mất nhiều thời gian, nên chị em thường mua vải sợi ở chợ về rồi thêu hoa văn và dệt nên những bộ trang phục hoặc khăn, túi để sử dụng và phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Theo quan niệm của đồng bào Dao, nhìn vào cách thêu hoa văn ở phần đuôi áo hoặc trên khăn của người phụ nữ sẽ biết được người phụ nữ khéo hay không, có đảm đang hay không.

Một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của dân tộc Dao ở Lùng Tao đó là Lễ Cấp sắc. Theo quan niệm của đồng bào, Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của đàn ông dân tộc Dao, được Cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành và có quyền tham gia các công việc của cộng đồng, làng, bản. Lễ Cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi khi vụ mùa đã được thu hoạch xong; con trai từ 10 tuổi trở lên là có thể tiến hành Cấp sắc. Một trong những điểm tạo nên giá trị của nghi lễ này, chính là ý nghĩa của các lời răn dạy. Đó là sự hướng tới việc thiện, tuyệt đối không được làm điều ác, tôn trọng bề trên, hiếu thảo với cha mẹ, không phản bội, lừa gạt… Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, Tổ tiên và trước cả cộng đồng, dòng tộc; nên có tính giáo dục rất lớn. Trong Lễ Cấp sắc còn có rất nhiều điệu múa độc đáo của dân tộc. Hiện nay, người Dao Lùng Tao vẫn duy trì nghi lễ này một cách thường xuyên, trở thành một điểm nhấn về tâm linh thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

 

 

 


BÀI VIẾT LIÊN QUAN